Cultural exchange
Xã Tân Cương là một xã nông nghiệp nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 11 km về phía Tây. Xã có diện tích tự nhiên là 14,7 km2; có 1.595 hộ với gần 6.000 nhân khẩu. Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Đến nay, vùng chè Tân Cương có tổng diện tích trên 1.300 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở khu vực có điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè thuộc 3 xã Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân. Trải qua bao thế hệ, người dân Tân Cương đã gìn giữ và phát huy tri thức trồng và chế biến chè để tạo nên sản phẩm chất lượng đặc biệt, liên tục lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn và xếp hạng. Ngày 14/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương cho các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó xã Tân Cương là một trong những xã đi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố Thái Nguyên, năm 2015 xã Tân Cương đạt chuẩn nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.
Không những dừng lại ở việc trồng và sản xuất chè mà người dân Tân Cương đã tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế. Từ năm 2016, vùng chè đặc sản Tân Cương đã được công nhận là điểm du lịch địa phương với các di tích lịch sử văn hoá, các làng nghề chè truyền thống, Không gian văn hóa trà Tân Cương, lễ hội “Hương sắc trà xuân”. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm thu hái, chế biến chè, ăn uống và lưu trú như: Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Tâm Trà Thái, Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương, Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, cơ sở sản xuất chè và du lịch cộng đồng Phúc Kim, Nghìn Hạnh, Thắng Hường…